Những điều nên biết khi đối mặt với viêm gan C

Khi mới được thông báo là đã nhiễm siêu vi C, chúng ta có thể trải qua nhiều cảm xúc khác nhau: hoảng sợ, giận dữ, buồn rầu, hoang mang. Hoảng sợ vì nghe nói là viêm gan siêu vi C rất dễ đưa đến xơ gan, ung thư gan, mà ung thư gan thì coi như là chết chắc.

 Rồi giận dữ, giận là không hiểu vì sao mình lại nhiễm phải siêu vi này, không nghĩ được ra lý do nào hết. Rồi buồn rầu vì nghe nói điều trị sẽ mệt mõi và tốn kém lắm, mà có điều trị được hay không nữa chứ? Và tất cả cảm xúc này, tất cả các câu hỏi mà chẳng biết đâu là câu trả lời thích đáng này, sẽ đưa ta vào cảm giác hoang mang. Hoang mang vì không biết sẽ đối mặt với căn bệnh viêm gan siêu vi C như thế nào? Phải bắt đầu từ đâu?

Tuy nhiên, các cảm xúc này lần lượt đến và cũng sẽ lần lượt đi, nếu chúng ta hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Theo ước tính của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, có trên 170 triệu người bị viêm gan C mạn tính, vậy có đôi điều bạn nên yên tâm là: 1) căn bệnh này không hiếm tức là sẽ có những nghiên cứu chuyên sâu và những chuyên gia am hiểu về căn bệnh này 2) bạn không phải là người duy nhất phải đối phó với căn bệnh này.

Trước hết, hãy bắt đầu với khái niệm thế nào là viêm gan. Viêm gan là tình trạng tế bào gan bị viêm nhiễm. Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm gan là do siêu vi, trong đó phổ biến là siêu vi A, B và C, ngoài ra còn có những siêu vi khác như D, E, F, G... Không những vậy viêm gan còn do nhiều nguyên nhân khác như: uống nhiều rượu bia, do thuốc, do bệnh chuyển hóa hay do bệnh tự miễn.

Tóm lại, viêm gan C do siêu vi C gây ra, sự tồn tại của viêm gan siêu vi C được nhận biết vào thập kỉ 70 của thế kỉ trước khi siêu vi này đã được gọi là ”không A không B”, và được chứng minh vào năm 1989. Siêu vi C lây truyền qua đường máu, tương tự như viêm gan siêu vi B, nhưng hiếm khi lây qua đường tình dục. Bệnh còn xảy ra do tiếp xúc với dịch tiết của người đã nhiễm bệnh. Nguyên nhân thường gặp của nhiễm bệnh là qua truyền máu, hay tiếp xúc với các sản phẩm khác có dính máu (ghép tạng, dùng chung kim & ống chích, dụng cụ thử đường huyết từ người đã nhiễm bệnh). Cũng lưu ý là con đường lây truyền từ mẹ sang con xảy ra rất hiếm.
viêm gan C (ảnh minh họa)
Một số câu hỏi được đặt ra để làm rỏ hơn về viêm gan siêu vi C và vơi đi sự hoang mang là:
Lây truyền qua đường tình dục của viêm gan siêu vi C có gì đặc biệt không?

Câu trả lời là có. Một số yếu tố làm bệnh viêm gan siêu vi C dễ lây truyền qua đường tình dục hơn, ví dụ: đã có bệnh lây truyền qua đường tình dục trước đó (như giang mai, lậu, mồng gà...), có nhiễm HIV, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục có nguy cơ chảy máu, nam đồng phái luyến ái...

Điều cần lưu ý là: viêm gan siêu vi C không lây qua nuôi con bằng sữa mẹ. Bệnh cũng không lây qua việc ăn chung mâm cơm. Ôm hôn, bắt tay, ho, hắt hơi cũng không làm lây truyền bệnh. Như vậy, bạn có thể yên tâm về việc: nếu mình bệnh, mình sẽ không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt thường nhật của người thân chung quanh

Tại sao việc tầm soát bệnh là quan trọng?
Tầm soát là cách tốt nhất để biết là có nhiễm bệnh hay chưa. Đa số người bệnh không biết là “Đã nhiễm bệnh”, vì họ vẫn cảm giác khỏe & nhìn bề ngoài vẫn bình thường. Việc phát hiện bệnh sớm rất quan trọng vì giúp điều trị có hiệu quả cao

Nhiều người bệnh VGSVC mạn không có triệu chứng & không hề biết là đã bị nhiễm bệnh. Có khi sau nhiễm bệnh 30 năm, triệu chứng mới biểu hiện. Nhưng tiếc thay, tổn thương gan vẫn diễn ra trong giai đoạn này
Nên tầm soát bệnh viêm gan siêu vi C cho đối tượng nào?
Câu trả lời là: Tất cả mọi người đều phải được xét nghiệm kiểm tra xem có bệnh hay không, vì hiện nay, chưa có thuốc chủng ngừa cho viêm gan siêu vi C, trong khi con đường lây truyền lại đa dạng. Tuy nhiên, có một số đối tượng cần chú ý tầm soát định kỳ vì tỷ lệ nhiễm bệnh viêm gan siêu vi C rất cao. Ví dụ: tiêm chích xì ke thường xuyên; có từng tiêm chích xì ke trong quá khứ, dù chỉ là 1 lần, hoặc đã xảy ra từ lâu; có nhiễm HIV; có bất thường về chức năng gan qua xét nghiệm máu; hoặc có bệnh gan. Đặc biệt, những người có truyền máu hoặc ghép tạng trước 1992 là đối tượng hàng đầu bị nhiễm siêu vi C

Ngoài ra, người làm công tác y tế, bị kim đâm từ người đã bệnh viêm gan siêu vi C, người nhận máu & tạng từ NGƯỜI CHO vừa mới biết có nhiễm viêm gan siêu vi C, hoặc trẻ có mẹ bệnh viêm gan siêu vi C đều phải làm xét nghiệm kiểm tra

Viêm gan siêu vi C cấp có biểu hiện ra sao?
Khi bị nhiễm bệnh lần đầu, có người có biểu hiện “nhiễm trùng cấp”. Mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng.Có khi cần phải nhập viện & nguy hiểm đến tính mạng do suy gan cấp. Gọi là viêm gan siêu vi C cấp khi bệnh lý về gan xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ lúc mới nhiễm bệnh.
viêm gan c| (ảnh minh họa)
Có người “tự chống trả” siêu vi, bệnh tự khỏi, siêu vi tự hết sạch trong cơ thể, tỷ lệ: 15-25%, đa số người bệnh diễn tiến sang thể mạn tính chiếm tỷ lệ 75-85%

KHÔNG PHẢI MỌI NGƯỜI BỊ VIÊM GAN SIÊU VI C CẤP ĐỀU CÓ TRIỆU CHỨNG. Hầu hết người nhiễm bệnh có triệu chứng trong vòng 2 tuần đến 6 tháng sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Triệu chứng kéo dài vài tuần đến vài tháng. Các dấu hiệu nhiễm bệnh bao gồm một hay nhiều các dấu chứng sau:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Đau bụng
- Phân màu xám
- Tiểu sậm màu
- Đau khớp
- Vàng da

Viêm gan siêu vi C mạn là gì, biểu hiện ra sao?
Nhiều người, sau đợt nhiễm trùng đầu tiên, bệnh vẫn kéo dài, siêu vi vẫn còn hiện diện trong cơ thể, được gọi là viêm gan siêu vi C mạn tính. Lưu ý là trong viêm gan siêu vi C, tỷ lệ bệnh chuyển sang mạn tính lên đến 75-85%

Viêm gan siêu vi C mạn gây nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, với tỷ lệ xơ gan lên đến 20%, ung thư gan khoảng 5%. Ngoài xơ gan và ung thư gan, bệnh nhân có thể tử vong vì suy gan cấp. Với khoảng 170 triệu người trên toàn thế giới nhiễm bệnh viêm gan siêu vi C, số lượng người tử vong hàng năm liên quan đến bệnh viêm gan siêu vi C là 350.000 người. Một con số không hề nhỏ!

HÌNH ẢNH UNG THƯ GAN TRÊN NỀN XƠ GAN
viêm gan C (ảnh minh họa)


Nhiều trường hợp, VIÊM GAN SIÊU VI C MẠN KHÔNG CÓ TRIỆU CHỨNG & người bệnh KHÔNG BIẾT LÀ ĐÃ BỊ NHIỄM BỆNH, có khi sau nhiễm bệnh 30 năm, triệu chứng mới biểu hiện. Tổn thương gan vẫn diễn ra trong giai đoạn này

Khi người bệnh viêm gan C mạn có dấu hiệu, các dấu chứng tương tự như viêm gan C cấp. Nhưng lúc đó, bệnh đã tiến triển nặng rồi, tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ chữa lành bệnh rất thấp

Như vậy, vấn đề tầm soát để phát hiện bệnh sớm là cực kỳ quan trọng

Làm thế nào phát hiện viêm gan C?
Câu trả lời là: trước hết, phải xét nghiệm AntiHCV trong máu. Nếu AntiHCV dương tính, phải tiến hành định lượng siêu vi (HCV-RNA Định lượng) nhằm xác định chính xác số lượng siêu vi. Sau khi xác định số lượng siêu vi, chúng ta cần phải xác định kiểu gen. Có 6 kiểu gen chính: 1, 2, 3, 4, 5, 6

Kiểu gen giúp tiên lượng đáp ứng điều trị. Có một số kiểu gen dễ điều trị hơn, ví dụ: kiểu gen 2 và 3 dễ điều trị hơn 1 và 6. Các quốc gia khác nhau có kiểu gen khác nhau. Ở Việt Nam thường gặp 1 và 6, ít hơn là kiểu gen 2

Một vấn đề cần lưu ý là thời điểm làm xét nghiệm. AntiHCV sẽ dương tính sau 4-10 tuần tiếp xúc nguồn bệnh, sau tiếp xúc 6 tháng, tỷ lệ AntiHCV dương là >97%. Điều này có nghĩa là làm AntiHCV một lần không có giá trị xác định là đã nhiễm bệnh hay chưa.

HCV-RNA dương tính trong máu sau 2-3 tuần nhiễm bệnh, như vậy HCV-RNA được xét nghiệm sớm nếu nghi nhiễm bệnh

Làm thế nào để tránh lây lan cho người khác? 

Khi đã nhiễm bệnh, ngoài việc phải đến khám bệnh đúng bác sĩ chuyên khoa Gan, người bệnh cần nên lưu ý tránh lây lan cho người khác. Ví dụ: quan hệ tình dục an toàn, vì xuất độ lây qua đường tình dục thấp, nhưng VẪN CÓ. Không dùng chung vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, máy thử đường huyết vì có thể lây bệnh cho người khác. Nếu có vết cắt hay bị phỏng: phải dùng băng keo cá nhân. Không hiến máu, nội tạng, mô, hoặc tinh trùng vì sẽ lây nhiễm bệnh cho người khác

Điều cần lưu ý là bệnh viêm gan siêu vi C không lây qua hắt hơi, ho, sổ mũi, ôm hôn, bắt tay, hoặc ăn chung mâm. Như vậy, người bệnh hoàn toàn yên tâm, thoải mái vui sống cùng người thân trong gia đình, có thể nâng niu, ẳm bồng con cháu mà không sợ lây truyền bệnh.

Bệnh viêm gan C có lây truyền theo đường từ mẹ sang con?

Xuất độ lây truyền bệnh từ mẹ sang con rất thấp (tỷ lệ lây truyền là 4%) nên dù chưa có thuốc chủng ngừa bệnh viêm gan C, bà mẹ mang thai khi sinh con cũng không cần lo lắng quá. Lây truyền bệnh xảy ra lúc chuyển dạ, không xảy ra lúc bào thai còn trong bụng người mẹ. Tỷ lệ lây truyền cho con cao nếu nồng độ siêu vi trong máu người mẹ cao. Nếu người mẹ đã bị nhiễm HIV, tần xuất con bệnh viêm gan C sẽ tăng gấp 3 lần. Hiện nay, chưa có cách nào để ngừa lây nhiễm bệnh viêm gan C cho trẻ sơ sinh có mẹ bệnh viêm gan C
nên đi xét nghiệm viêm gan C để kịp thời chữa trị
Cho con bú có lây truyền bệnh?

Chưa có bằng chứng nào về việc cho con bú sẽ lây truyền bệnh viêm gan C. Do đó, bà mẹ bệnh viêm gan C, sinh con xong, yên tâm chăm sóc bé & vẫn cho bé bú bình thường. Nếu đầu vú bị nức nẻ, chảy máu, khi đó cần cân nhắc lợi hại giữa cho con bú & không cho con bú. Tốt nhất, phải đến bác sĩ chuyên khoa về gan, khám bệnh & làm xét nghiệm để quyết định cách giải quyết tốt nhất
Trẻ sinh ra từ mẹ bị viêm gan siêu vi C phải làm gì?
Trẻ sẽ làm thử nghiệm Anti HCV. KHÔNG CẦN LÀM SỚM HƠN 18 THÁNG TUỔI, vì Anti HCV từ mẹ có thể còn trong bé ở thời điểm này. Nếu cần chẩn đoán sớm, định lượng HCV-RNA nên thực hiện sau 1- 2 tháng tuổi. HCV-RNA sẽ được kiểm tra định kỳ, bất kể kết quả lúc đầu là âm tính hay dương tính

Phòng ngừa viêm gan siêu vi C như thế nào?

Hiện nay, chưa có thuốc ngừa bệnh viêm gan C. Bản thân mỗi người chúng ta phải biết cách phòng ngừa bằng việc giảm tần xuất lây nhiễm bệnh, chẳng hạn như:
Không bao giờ tiêm chích những gì KHÔNG CẦN THIẾT & KHÔNG AN TOÀN
Tránh nhận máu & các sản phẩm máu KHÔNG AN TOÀN
Không thu thập những vật thải NHỌN
TRÁNH DÙNG CHUNG DỤNG CỤ TIÊM CHÍCH, như máy thử Đường huyết…
Quan hệ tình dục không an toàn
Dùng chung vật cá nhân BÉN NHỌN, như dao cạo râu
Châm cứu, xăm mình, làm móng với dụng cụ không vô trùng

Nếu đã nhiễm bệnh viêm gan siêu vi C thì cần phải làm gì? 
Tuyệt đối không hoang mang, lo lắng. Người bệnh cần thực hiện các bước sau đây:
Phải được tư vấn về diễn tiến & đặc điểm bệnh, phương cách chăm sóc & điều trị tại đúng bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa về viêm gan
CHỦNG NGỪA BỆNH VGSV A & VGSV B, mục đích: tránh nhiễm thêm siêu vi khác (lưu ý: đa số người dân sinh ra & lớn lên tại Việt Nam đều đã có tiếp xúc với siêu vi A & thường xét nghiệm Anti HAV sẽ dương tính)
Điều trị sớm & đúng, nếu có chỉ định
Theo dõi khám bệnh định kỳ, làm đúng các chỉ định xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa về viêm gan

BSCKI. Nguyễn Thị Lý
Trưởng Phòng Khám Gan
BV ĐẠI HỌC Y DƯỢC TPHCM-Cơ sở 2

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hệ tiêu hóa và cơ chế hoạt động của hê tiêu hóa

Chuyên gia Hàn Quốc tư vấn về Hồng sâm trẻ em baby